Mấy năm gần đây các sản phẩm nồi, chảo chống dính đã trở nên quá quen thuộc với người nội trợ Việt. Tuy vậy, không phải ai cũng biết chất chống dính trên nồi chảo là loại gì, dùng an toàn hay không? Hãy cùng tìm hiểu thông tin ngay bên dưới.
Chất chống dính Teflon
– Teflon còn gọi là Politetra Floetylen (PTFE) được xem là chất chống dính “cổ” nhất, khi nó ra đời từ quá trình nghiên cứu của nhà khoa học Roy Plunkett vào năm 1938, sau này đã được hãng DuPont đăng ký và tạo ra thương hiệu Teflon vào năm 1945.
– Chất chống dính Teflon chỉ chứa 2 nguyên tố C và F liên kết với nhau cực kỳ chặt chẽ, phân hủy ở nhiệt độ cao, trên 300 – 400 độ C, nhiệt độ phân hủy này cao hơn hẳn so với nhiệt độ đun nấu thông thường dao động từ mức 130 – 190 độ C, thậm chí là 250 độ C nên Teflon rất bền bỉ, khó phân hủy, không phản ứng với thức ăn, chống dính tốt.
– Theo giáo sư Phạm Văn Khôi của Viện Hóa học Việt Nam xác nhận chất chống dính Teflon là 1 hợp chất khó hấp thu, ngay cả khi nó đã đi vào cơ thể bạn, cũng tự thải ra ngoài nên người dùng không lo Teflon tích tụ và gây hại cho sức khỏe của bạn.
Chất chống dính Ceramica (Ceramic)
– Ceramica là sản phẩm của hãng Cuisinart, đây là 1 loại gốm không dính được sử dụng lần đầu tiên cho dòng chảo GreenGourmet và sau khi đã được mở rộng, ứng dụng cho nhiều dụng cụ nấu nướng khác nhau như nồi, chảo chống dính, lòng nồi cơm điện, lòng nồi áp suất…
– Chất chống dính Ceramic làm từ khoáng chất vô cơ, chịu được nhiệt độ lên tới 450 độ C, khó phân hủy, không phản ứng với thức ăn, khả năng chống dính tốt, không chứa chất PTFE hoặc PFOA (là chất đang gây tranh cãi về khả năng gây ung thư cho người dùng).
Chất chống dính đá hoa cương
– Chảo phủ chất chống dính đá hoa cương, mặt chảo được ép đúc với 1 lớp thép cứng, có phủ thêm chất Nano-silver kháng khuẩn. Mặt nấu in hoa văn dạng đá hoa cương cực nổi bật, đẹp mắt, tiếp diện bóng loáng, độ chống dính cao.
– Chất chống dính đá hoa cương không chứa PTFE/ PFOA, nấu ăn ít tốn dầu, thậm chí không cần thêm dầu khi chiên xào.
Chất chống dính Greblon
– Greblon có chứa hợp chất cao phân tử PTFE, chống chịu tốt trong môi trường kiềm, axit, dầu, dung môi hữu cơ, chịu được nhiệt độ đến 440 độ C, ma sát thấp, không chứa chất PFOA, APEO, có tính chống dính cao.
– Đạt độ an toàn khi tiếp xúc thực phẩm theo tiêu chuẩn LFGB của CHLB Đức và được các quốc gia châu Âu chấp thuận.
– Nồi, chảo phủ lớp chống dính Greblon có thể đun nấu liên tục với mức nhiệt không quá 230 độ C, từ mức nhiệt 230 – 250 độ C chỉ đun nấu trong 15 – 20 phút.
Chất chống dính Whitford
– Chất chống dính Whitford có thành phần PTFE, phân hủy ở nhiệt độ trên 440 độ C, không chứa các chất PFOA, APEO, độ chống dính cao, có khả năng chống chịu tốt với môi trường axit, kiềm, dung môi hữu cơ, dầu.
– Whitford đạt tiêu chuẩn FDA của Mỹ và được nhiều nước chấp nhận như các nước Châu Âu, Nhật, Trung Quốc…
– Khi dùng nồi chảo có lớp chống dính Whitford, người dùng có thể nấu ăn lâu với mức nhiệt không quá 230 độ C và chỉ nấu trong thời gian 15 – 20 phút nếu nấu ở nhiệt độ 230 – 250 độ C.
Chất chống dính Dyflon
– Lớp chống dính Dyflon của hãng Dyflon từ Hàn Quốc được làm từ khoáng chất vô cơ, tiếp diện chống dính bóng loáng, không phản ứng với thức ăn. Là lớp chống dính PTFE thế hệ mới, chống ăn mòn, chịu nhiệt tốt lên đến 450 độ C, tuyệt đối an toàn cho người sử dụng.
2Một số lưu ý khi mua và sử dụng nồi chảo chống dính
– Các nồi, chảo chống dính hiện nay thường được làm từ 2 – 5 lớp tùy nhu cầu, loại nồi, chảo mà bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp:
+ Lớp trong cùng là lớp chống trầy, chống dính, kháng khuẩn.
+ Lớp thứ 2 – 3 thường là chống dính chất lượng cao.
+ Lớp thứ 4 là lớp phủ tăng độ bền cho lớp chống dính.
+ Lớp ngoài cùng là lớp nhôm nguyên chất được xử lý chống oxi hóa.
– Với nồi/chảo phủ chất chống dính Teflon nhiều người vẫn lo lắng về độ an toàn của nó khi có chứa hợp chất PTFE. Thực tế, chất này hoàn toàn an toàn khi nấu ăn hằng ngày, phần gây hại là lớp keo dính giữa Teflon và lớp kim loại, chất keo dính dễ phân hủy dưới nhiệt độ cao khi bong tróc, cực độc hại và có thể gây ung thư.
– Lớp keo dính giữa lớp chống dính và lớp kim loại xuất hiện ở rất nhiều dòng nồi, chảo chống dính nên khi lớp chống dính bong tróc, bạn nên ngừng sử dụng sản phẩm và mua sản phẩm mới thay thế ngay.
– Vào lần đầu dùng nồi, chảo chống dính nên lau lên bề mặt 1 lớp dầu ăn sẽ giúp kéo dài độ bền cho lớp chống dính.
– Không để nồi/chảo không trên bếp quá lâu, sử dụng dụng cụ nấu như đũa, muỗng, vá bằng gỗ, silicon, nhựa chịu nhiệt để nấu ăn với nồi/chảo chống dính, không dùng dụng cụ nấu bằng kim loại để tránh làm trầy xước lớp chống dính.
– Không chà rửa chảo đang còn nóng, nên dùng miếng vải mềm, miếng xốp rửa chảo.
– Định kỳ thay chảo sau 1 – 2 năm sử dụng.