Cách chọn mua bếp điện từ phù hợp
Người dùng nên chọn mua bếp điện phù hợp với nhu cầu sử dụng, ngân sách, nguồn điện, tận dụng khuyến mại dịp cuối năm và cảnh giác với những loại bếp kém chất lượng.
Bếp từ ngày càng được nhiều gia đình trưng dụng, nhờ khả năng đun nấu nhanh nhưng tiết kiệm năng lượng, ít tỏa nhiệt ra bên ngoài, không tạo khí cabonic, đảm bảo an toàn cháy nổ, tính thẩm mỹ cao cho căn bếp… Theo anh Nguyễn Thế Nam, nhân viên một siêu thị điện máy trên đường Nguyễn Trãi, nhu cầu mua bếp điện (bếp từ và bếp hồng ngoại) dịp cuối năm gia tăng do nhiều gia đình muốn mua bếp đơn ăn lẩu Tết, hoặc sắm bếp đôi để thay “nhà mới” cho ông Táo.
Không chỉ cầu tăng, các nhà cung cấp cũng tung ra nhiều mẫu mã mới, giảm giá trực tiếp (từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng) hoặc tặng nồi khi mua bếp. Thậm chí, một số nhãn hàng điện máy khác như tủ lạnh, máy giặt cũng lựa chọn bếp từ làm quà khuyến mãi tặng khách mua. Tuy nhiên, để chọn được chiếc bếp ưng ý, giá cả phải chăng và sử dụng bền lâu, người tiêu dùng nên lưu ý những tiêu chí sau.
Chọn bếp theo nhu cầu sử dụng
Tùy theo nhu cầu nấu nướng mà người dùng nên chọn bếp có từ 1 đến 4 lò nấu. Bếp đơn có công suất phổ biến từ 1.000W đến 2.000W, trong khi bếp đôi có công suất khoảng 1.400 – 2.200W giúp cho việc đun nấu thêm nhanh chóng, đặc biệt là các món chiên, xào cần nhiều nhiệt. Còn với bếp ba hoặc bốn, công suất điện tối đa từ 3.000W cho đến hơn 7.400W tùy theo số lò nấu.
Bếp đơn phù hợp với cá nhân hoặc gia đình ít người, nhỏ gọn dễ mang theo khi dã ngoại hoặc tiện lợi khi ăn lẩu tại gia. Nếu gia đình nhiều người, thường ăn các món chiên xào thì bếp đôi trở lên là lựa chọn phù hợp.
Chọn bếp theo nồi
Mặc dù đều sử dụng điện làm năng lượng đầu vào, song, bếp điện lại được phân ra thành bếp từ (dùng dòng điện fu-cô), bếp hồng ngoại (dùng đèn halogen) theo cách phát nhiệt khác nhau. Thông thường, bếp hồng ngoại có giá cao hơn bếp điện từ. Tuy nhiên, bếp hồng ngoại lại không kén nồi, trong khi bếp điện từ chỉ sử dụng được với các dụng cụ bếp dẫn tính (làm bằng sắt, thép).
Chi phí cho một bộ nồi dẫn từ là không hề nhỏ. Nếu có sẵn nồi tại nhà, người dùng nên chọn mua bếp điện từ để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, có thể sắm bếp đôi có một lò nấu điện từ và một lò nấu hồng ngoại, nhằm tận dụng được lợi thế đun nấu nhanh, ít tỏa nhiệt, tiết kiệm điện của bếp từ và lợi thế không kén nồi, nhiệt lớn của bếp hồng ngoại.
Trong trường hợp chưa có nồi dẫn từ, người dùng nên tranh thủ các chương trình khuyến mãi tặng thêm nồi dịp cuối năm, chẳng hạn như GGM Germany khi mua bếp từ đôi và bếp từ ba vùng nấu.
Chọn mâm từ và mặt kính bếp
Đây là hai bộ phận quyết định tuổi thọ của bếp. Người dùng nên chọn mua bếp có mặt kính lớn nếu đun nấu nồi có diện tích rộng. Mặt kính phải là loại kính chịu lực tốt, độ dày cao, có khả năng chịu lực và chịu nhiệt đến 1.000 độ C, chống sốc nhiệt và được nhà sản xuất công bố về chất lượng (loại A là tốt nhất) rõ ràng. Khi gặp nhiệt độ cao hoặc va đập, kính không bị biến dạng hoặc vỡ nứt.
Mâm từ bên trong bếp phải là loại bằng đồng chất lượng cao, ít lẫn tạp chất. Thông thường loại tốt có 8 thanh còn loại chất lượng kém chỉ có 6 thanh.
Chọn bếp phù hợp với túi tiền
Giá bếp điện từ 2 vùng nấu hiện nay có giá dao động từ vài triệu cho đến hơn chục triệu đồng. Ngoài thương hiệu, mức giá còn tăng theo số lò nấu, bếp hồng ngoại đắt hơn bếp từ. Người dùng nên cân đối ngân sách và tận dụng các chương trình khuyến mãi cuối năm để mua được chiếc bếp có giá phải chăng.
Theo ông Trần Văn Mạnh , có 3 loại bếp từ chính trên thị trường là bếp nhập khẩu nguyên chiếc, bếp liên doanh (nhập khẩu linh kiện nước ngoài và lắp ráp trong nước) và bếp OEM (thuê nước ngoài sản xuất và gắn thương hiệu doanh nghiệp trong nước). Tuy nhiên, một số bếp điện từ mang thương hiệu ngoại nhập nhưng thực chất là hàng OEM sản xuất tại Trung Quốc, xuất khẩu ngược lại nước mang thương hiệu và sau đó xuất về Việt Nam. Loại bếp này thường có giá cao nhưng chất lượng lại không tương xứng.
Ông Mạnh cũng tư vấn, để tránh mua “hớ”, người dùng nên yêu cầu nhân viên bán hàng xuất trình các giấy CO (Certificate of Original) như chứng nhận CE, GS, CB, REACH, RoHS… CE là chứng nhận bắt buộc về an toàn, sức khỏe, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng đối với một số hàng hóa được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. GS kiểm định sản phẩm kỹ thuật phù hợp các yêu cầu của Luật an toàn Đức. RoHS xác nhận sản phẩm không chứa 6 chất độc hại có trong nguyên liệu bao gồm chì, thủy ngân, cadmium, crôm +6, PBB và PBDE. REACH là bộ quy chuẩn về đăng ký, đánh giá, cấp phép hóa chất của châu Âu…
Chọn bếp có chế độ bảo hành lâu
Bếp điện từ là thiết bị gia dụng chịu tải dòng điện cao, nên cần chọn sản phẩm có bảo hành và hậu mãi càng lâu càng tốt. Thông thường, mức bảo hành 2 năm là đáng tin cậy. Không nên ham rẻ mà chọn bếp không rõ nguồn gốc, mẫu mã đẹp nhưng bảo hành ngắn hạn.
Nguồn tin : Sưu tầm